Pages

Powered by Blogger.

Thursday, 16 February 2017

Cha mẹ cần làm gì để con không lười học sau nghỉ Tết

Kỳ nghỉ Tết kéo dài cùng những hoạt động vui chơi, giải trí sẽ khiến trẻ uể oải việc học sau khi kết thúc kỳ nghỉ. Để trẻ quay lại việc học một cach hào hứng, cha mẹ cần lưu ý một số điều sau đây.

Không nên cho trẻ “thả phanh” hoàn toàn

Lê Văn Hảo (Viện Tâm lý học Việt Nam) cho rằng, chẳng cứ riêng dịp Tết, nói chung khi được nghỉ dài, trẻ thường phải mất một ít thời gian mới lấy lại “phong độ” và “phong cách” cũng như hiệu quả học tập trước đây. Điều này cũng có thể đúng với cả người lớn. Tuy nhiên, với một số trẻ, nếu nghỉ ngơi lành mạnh, trẻ lại nhớ trường, nhớ bạn và muốn đến trường. Như thế nghỉ dài chưa chắc đã làm trẻ chán học mà có khi là ngược lại.

Để trẻ không uể oải việc học sau kỳ nghỉ Tết, phụ huynh cần nhẹ nhàng, không nên quát mắng, thúc ép trẻ. Ảnh: Internet

Để lấy lại “phong độ”, dù có thể bận, cha mẹ hay ông bà có thể cùng với con hay cháu lập kế hoạch, thống nhất một số qui ước về việc ngày lễ, Tết nên/cần được sử dụng ra sao, theo cách nào cho vui vẻ, thoải mái, hữu ích và mang tính giáo dục. Trong đó có thể đan xen ít nhiều thời gian, cơ hội ôn luyện chút ít các kiến thức, đặc biệt là kiến thức, kinh nghiệm xã hội theo một cách thức mới mẻ, vui thú mà chỉ ngày Tết mới có.

Rất khó để cha mẹ có thể bắt con cái chú tâm vào chuyện học hành trong dịp nghỉ Tết, các bé sẽ biết đưa ra lí do để phản đối yêu cầu bắt học bài của mẹ. Trẻ mong đến tết hay nghỉ hè, chỉ vì chúng không phải vướng bận chuyện bài vở, do đó cha mẹ sẽ không thể nào bắt con ngồi yên một chỗ học bài được, hãy để các con vui chơi và phát triển theo đúng độ tuổi của mình.

Khi bắt đầu kỳ nghỉ, cha mẹ nên yêu cầu con dành hẳn một đến hai ngày đàu tiên để hoàn thành toàn bộ bài tập được giao về nhà và nên có thời gian biểu học và chơi cụ thể cho kỳ nghỉ dài cả tuần để bé không mải chơi mà quên nhiệm vụ chính của mình.

Việc học trong ngày Tết không nhất thiết phải ép trẻ mở sách vở, ngồi tính toán hoặc đánh vật với bài tập làm văn mà có thể học theo hình thức đố vui vẻ.

Những ngày nghỉ có thể trẻ dành nhiều thời gian để chơi game hoặc xem tivi, hay đi chơi cùng bạn bè, bố mẹ cũng đừng cấm đoán bé quá, hãy cho bé thực sự được “tận hưởng” những ngày vui chơi thật thoải mái theo cách của con. Tuy nhiên, cái gì cũng nên có giới hạn, chẳng hạn như không nên để con ngồi quá lâu xem tivi, chơi game, hay thức khuya quá ảnh hưởng tới sức khỏe.

Cùng con chuẩn bị bài vở cho ngày học mới

Trong kỳ nghỉ, bố mẹ không nên quên nhắc nhở trẻ biết ngày nào phải quay lại trường học tập, tránh tình trạng ngày mai đi học thì tối muộn mới giục con học, điều này sẽ không đạt kết quả gì. Buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh có thể đề nghị bé soát thời khóa biểu và kiểm ra xem con đã chuẩn bị tốt tất cả các môn chưa. Nếu bé có điều gì chưa rõ, cha mẹ nên giúp trẻ.

Làm mới góc học tập của trẻ với việc lau chùi cẩn thận bàn ghế, kê ngay ngắn gọn gàng, sắp xếp giá sách khoa học... cũng sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học và “chăm” ngồi vào bàn học hơn.

Không nên thúc ép, la mắng trẻ

Việc trẻ chưa lấy lại được tinh thần học bài phần nào sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của con. Trước tình trạng này, cha mẹ không nên la mắng, đánh đòn trẻ, đặc biệt, không nên bắt con học với cường độ quá cao, hoặc dồn ép chúng vào các lớp học thêm ngay tuần đầu tiên sau Tết. Nếu cha mẹ làm như vậy chỉ khiến trẻ thêm chán học.

Để giúp trẻ có hứng thú hơn với việc học, cha mẹ cần giúp trẻ tìm thấy niềm vui học tập bằng cách hỏi con về buổi đầu tiên sau Tết. Khi cho bé ngồi vào bàn học, mẹ hãy để bé bắt đầu với môn học bé yêu thích, hoặc cho bé làm những bài tập dễ để bé không chán. Nếu thấy bé không hào hứng lắm khi học, mẹ có thể bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để lấy lại hứng thú cho bé.

Theo TS Tâm lý Nguyễn Kim Quý, nguyên giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết trên báo Gia đình và Xã hội: "không nên ép trẻ đột ngột trở lại việc học với cường độ cao sau kỳ nghỉ dài. Tốt nhất, nên cho trẻ vừa học vừa chơi, dần ổn định lại giờ giấc ăn ngủ của trẻ. Cha mẹ cần nhắc nhở nghiêm khắc để trẻ quay lại thời gian biểu học tập như trước, duy trì thời gian học lại bài cũ khoảng 2 tiếng/ngày. Khuyến khích trẻ không nên lười biếng, nếu không sẽ xúi quẩy cả năm nếu không học thuộc bài. Không nên chơi hoặc ngủ quá nhiều nếu không sẽ bị béo, xấu. Nên khuyên trẻ một cách nhẹ nhàng, không đánh, quát mắng thì trẻ sẽ không bị sốc tâm lý".

Chọn môn học con yêu thích

Có thể để trẻ tự chọn môn học bé ưa thích và cho con làm những bài tập dễ, sau đó mới đến các lĩnh vực khác. Nếu thấy trẻ không hào hứng lắm khi học ở nhà, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu với trẻ bằng một cuốn truyện tranh, mở những bản nhạc mà trẻ thích hay gợi lại những niềm vui của trẻ trong dịp Tết vừa qua để lấy lại hứng thú..

Cách nhận biết trẻ bị bạo hành ở trường

Trẻ bị bạo hành ở trường thường có nhiều biểu hiện bất thường, cha mẹ nên lưu ý để phát hiện sớm và can thiệp.

Vậy làm thế nào để nhận biết con bị bạo hành và tránh được những rủi ro?

Đối với những trẻ chưa biết nói: Trẻ chưa biết nói sẽ gặp khó khăn hơn vì trẻ không thể diễn đạt cho bố mẹ những gì đang xảy ra ở trường cũng như chia sẻ với bố mẹ về cảm xúc của mình. Tuy nhiên vẫn có những cách khác để bố mẹ kết nối với con.

Trẻ bị bạo hành ở trường khi về nhà sẽ có nhiều biểu hiện khác thường. Ảnh: Internet

Biểu hiện về tâm lý

- Khi bị cô giáo đánh, la mắng hay ngược đãi, trẻ thường có biểu hiện tâm lý giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm, lo âu, sợ hãi..

- Trẻ có biểu hiện sợ ăn, lười ăn, không chịu ăn, thậm chí còn nôn ọe dù trước đó trẻ không hề có biểu hiện này.

- Trẻ khó ngủ, ngủ không ngon và không sâu giấc, dễ giật mình, la hét, hay mơ sảng.

- Trẻ có thể nghiến răng, cắn móng tay, thở nhanh, hồi hộp hoặc toát mồ hôi khi về nhà.

- Trẻ rất sợ đi học vì sợ gặp cô giáo. Thường trẻ sẽ khóc lóc và không chịu vào lớp, đặc biệt, nếu nhìn thấy cô giáo, nỗi sợ càng tăng cao và trẻ khóc lớn hơn. Tuy nhiên, khi cô giáo yêu cầu trẻ nín trẻ sẽ tỏ ra sợ sệt và mếu máo. Lúc cô giáo đón trẻ vào lớp trẻ sẽ khóc thảm thiết và nhoài về phía cha mẹ.

- Lảng tránh những biểu hiện yêu thương của cha mẹ hoặc tự nhiên quá bám dính lấy cha mẹ, hay tức giận hoặc hay chán nản.

Biểu hiện về thể chất

Cơ thể con chính là bằng chứng cụ thể nhất về việc trẻ có bị bạo hành ở lớp hay không. Chỉ cần quan sát kỹ bàn tay, chân, cổ, mông, má của trẻ trước và sau khi đón trẻ về là cha mẹ có thể biết được chuyện gì đã diễn ra ở trường.

Những vết cấu của trẻ thường nhỏ, không thể lớn được, nếu bố mẹ thấy vết thương lớn thì cô sẽ là “nghi can”.

Những vết bầm, lằn (kiểu nhiều sọc dọc do đánh bằng tay, thước kẻ, que nhỏ) trên má, tay, chân, mông, lưng… khó có thể là vết té ngã, cào hoặc đánh nhau, cắn nhau với bạn được.

Nếu xuất hiện vết bầm, tím, lằn thì bố mẹ cần hỏi ngay giáo viên xem những vết bầm tím là do đâu. Trường hợp té hay đánh nhau mà cô giáo không thông báo cho cha mẹ biết thì cha mẹ cần phải lưu ý đặc biệt vấn đề này.

Đối với những trẻ đã biết nói và biểu đạt suy nghĩ

Ngoài những dấu hiệu về tâm lý và thể chất giống như trẻ chưa biết nói ở trên, đối với trẻ lớn hơn và đã có thể giao tiếp, bố mẹ cũng có thêm những cách khác để tiếp cận con, giúp con chia sẻ với mình những gì đã xảy ra ở trường

- Bé lớn có thể thường xuyên mếu máo bảo "con không muốn tới trường”.

- Bé biểu hiện sự lầm lì, nhút nhát, hay sợ sệt hoặc ngược lại, dễ cáu, dễ thét, dễ bùng nổ cảm xúc.

-Trẻ trở nên khép nép và bị động; trước thường hòa nhã, dễ gần lại tự nhiên trở nên bướng bỉnh…

Theo một chuyên gia, dấu hiệu chung của trẻ bị bạo hành là thường có biểu hiện giống trầm cảm hoặc bị trầm cảm; lo âu, sợ hãi và căng thẳng, đêm ngủ không ngon, dễ giật mình, có ác mộng, nghiến răng, cắn móng tay, lười ăn, dễ khóc, khi ăn dễ nôn trớ, thở nhanh, hồi hộp, toát mồ hôi, sợ hãi mỗi khi bố mẹ nhắc tới vấn đề đi học.

Ngoài những dấu hiệu trên, cha mẹ có thể phát hiện sớm con bị bạo hành bằng cách hãy quan sát cơ thể con sau mỗi ngày ở trường về, đặc biệt là lòng bàn tay, bàn chân và đầu các khớp tay con xem có dấu hiệu gì bất thường hay không.

Bên cạnh đó, với những bé đã biết nói, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con, hỏi han con để bé kể những chuyện vui buồn ở lớp.
 
 
Blogger Templates